Không chỉ đất vườn, đất ruộng, đồng muối, cả đất ở cũng bị biến thành ao Nuôi tôm. Ngành chức năng Bình Định đau đầu trước vấn nạn ao tôm mọc lên vô lối.
Bi hài cơn sốt “xé rào” nuôi tôm tại Bình Định
Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) thừa nhận, chuyện nuôi tôm “xé rào” quy hoạch, ao nuôi tôm lấn cả đất vườn, đất nông nghiệp ở xã Mỹ Thành cách đây hơn 10 năm đã từng làm đau đầu lãnh đạo chính quyền huyện Phù Mỹ.
Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định) đã biến thành ao nuôi tôm. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Sau khi nắm bắt tình hình, UBND huyện Phù Mỹ đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo chính quyền địa phương phải kiên quyết ngăn chặn tình trạng này. Thế nhưng người dân vẫn bất chấp, bằng mọi giá phải sở hữu cho được một ao nuôi tôm để nhanh kiếm tiền. Thế là những khoảnh vườn trồng cây ăn quả, những diện tích đất màu trồng cây công nghiệp ngắn ngày lần lượt được người dân biến thành những ao nuôi tôm.
Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định, trước đây, ngành thủy sản tỉnh này đã quy hoạch bài bản những vùng đủ điều kiện nuôi tôm tại các địa phương. Khi ấy, môi trường nguồn nước nuôi chưa bị ô nhiễm nên ai nuôi tôm cũng trúng to, do đó dẫn đến nạn nuôi tôm tự phát ngoài quy hoạch bùng phát.
“Khi sự việc mới được phát hiện, ngành thủy sản tỉnh đã nhiều lần làm việc với chính quyền xã Mỹ Thành. Vi phạm nuôi tôm ngoài quy hoạch thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, chúng tôi chỉ khuyến cáo về mặt kỹ thuật, rằng nuôi tôm tự phát sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất nguy hiểm, làm phát sinh dịch bệnh, rủi ro rất lớn. Thế nhưng khi chúng tôi về rồi thì mọi việc lại đâu vào đấy, diện tích nuôi tôm ngoài quy hoạch ở xã Mỹ Thành ngày càng tăng”, ông Bình chia sẻ.
Nước thải ao tôm được tống thẳng ra gần bờ biển, lâu dần tích tụ xuống nguồn nước ngầm gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước. Ảnh: VĐT.
Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Bình Định), diện tích nuôi tôm vượt rào quy hoạch ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) được xác định đến 30 ha. Cùng thời gian ấy, ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) cũng phát sinh khoảng 6ha nuôi tôm ngoài quy hoạch. Tuy nhiên, chính quyền Thị xã Hoài Nhơn đã mạnh tay, kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm, nên từ đó đến nay số diện tích nuôi tôm ngoài quy hoạch không phát sinh thêm.
xem thêm tại đây:>>> https://s6.com.vn/san-pham/tao-binh/
Trong khi đó ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) không chỉ có đất vườn, đất nông nghiệp bị đào lên làm ao nuôi tôm, cả đất ruộng muối cũng lâm cảnh tương tự. Theo ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, thời gian vừa qua, có nhiều diện tích sản xuất muối kém hiệu quả ở xã Mỹ Thành diêm dân cũng tự phát đào ao nuôi tôm.
“UBND huyện Phù Mỹ đã kịp thời chấn chỉnh, chỉ đạo UBND xã Mỹ Thành tổng hợp, báo cáo số diện tích đất sản xuất muối đã biến thành ao tôm. Thế nhưng do dịch Covid1-19 nên anh em dưới xã chưa đi kiểm tra được”, ông Hồ Ngọc Chánh cho hay.
Đau đầu xử lý dịch bệnh, môi trường nuôi tôm
Khi những diện tích nuôi tôm “xé rào” quy hoạch được xem như “chuyện đã rồi”, ngành chức năng Bình Định đang phải loay hoay vào cuộc tìm hướng xử lý.
Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Bình Định), ngành chức năng tỉnh này đang chỉ đạo kiểm soát chặt những diện tích nuôi tôm ngoài quy hoạch. Bởi theo kiểu nuôi tự phát, “ưng gì làm nấy” sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến vùng nuôi.
“Những diện tích nuôi tôm trong quy hoạch thì ngành chức năng dễ kiểm soát. Thế nhưng chúng tôi cũng không thả lỏng những diện tích nuôi tôm tự phát, mà vẫn bám sát hướng dẫn các hộ nuôi phải tuân thủ lịch thời vụ, sử dụng con giống sạch bệnh, xả thải theo quy định để không làm ô nhiễm môi trường”, ông Nhân chia sẻ.
Nạn đào ao nuôi tôm vô lối đang khiến ngành thủy sản Bình Định đau đầu về chuyện xử lí dịch bệnh, môi trường. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Cũng theo ông Nhân, 10 năm trước, người dân ở xã Mỹ Thành nuôi tôm với nguồn nước có độ mặn thấp, nên phải đóng giếng lấy nước ngọt, khi nuôi thì bơm nước mặn ngoài đầm vào pha với nước ngọt để lấy độ mặn phù hợp.
Do đó, hoạt động nuôi tôm đã làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Nước thải được người nuôi đặt ống nối từ ao nuôi xả thẳng ra đầm. Trong khi nuôi tôm độ mặn thấp thì tần suất xả thải rất nhiều, cứ 2-3 ngày phải xả thải 1 lần nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nuôi tôm với nguồn nước có độ mặn thấp cũng không mang lại hiệu quả. Vì vậy hiện nay các hộ nuôi tôm đã sử dụng nguồn nước nuôi có độ mặn cao tương đương với độ mặn của nước biển, do đó không còn sử dụng nguồn nước ngọt từ các giếng đóng và tần suất xả thải đã giảm nhiều, tình trạng ô nhiễm môi trường đã được hạn chế.
Ông Nhân cho biết thêm: Quy trình chăm sóc tôm nuôi trong nguồn nước có độ mặn cao chẳng khác gì so với trước. Duy nhất chỉ có vấn đề là tôm nuôi sẽ nhạy cảm hơn với các loại bệnh, nhưng khi đã nắm bắt được kỹ thuật thì người nuôi đã khắc phục được.
Ao tôm mọc lên nhan nhản, vây kín khu dân cư ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát. Ảnh: VĐT.
Hơn nữa, tôm nuôi trong nguồn nước có độ mặn cao khi thu hoạch con tôm sẽ săn chắc hơn, bởi được cung cấp đầy đủ yếu tố khoáng tự nhiên, như vậy hộ nuôi tôm còn giảm được khoản chi phí đầu tư bổ sung chất khoáng nhân tạo cho tôm nuôi. Khi con tôm săn chắc thì trọng lượng tăng lên, đạt sản lượng cao hơn nên người nuôi thêm lãi.
“Thời gian gần đây, do nguồn nước nuôi tôm bị ô nhiễm nghiêm trọng, nên nhiều hộ nuôi tôm đầu tư làm ao lắng, ao xả thải nên đã có phần hạn chế được dịch bệnh. Nguồn nước nuôi trước tiên được bơm vào ao lắng để xử lý rồi mới xả vào ao nuôi.
Nước thải được đưa ra ao xả, sau khi được xử lý hóa chất 1 thời gian nhất định rồi mới xả ra môi trường. Nhờ đó môi trường nguồn nước nuôi tôm ở các địa phương đã được cải thiện đáng kể”, ông Phạm Thanh Nhân cho hay.
Tác giả bài viết: Vũ Đình Thung
Nguồn tin: nongnghiep.vn